(Doanh nghiệp) – Theo TS Bùi Trinh, giá trị gia tăng của ngành điện rất cao, cần làm rõ nó đi vào lương hay lợi nhuận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Chia sẻ ý kiến xung quanh việc Bộ Công thương lập đoàn công tác kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chuyên gia kinh tế – TS Bùi Trinh cho rằng, để công khai, minh bạch, tránh kiểm tra hàng năm nhưng cuối cùng người dân vẫn băn khoăn về giá điện, vấn đề cần làm rõ giá trị gia tăng của ngành điện đi vào đâu.
Cụ thể, vị chuyên gia cho biết, năng suất lao động của ngành điện rất cao. Theo Tổng cục Thống kê, cùng với ngành khai thác khoáng sản (khai thác than), sản xuất và phân phối điện là ngành có năng suất lao động cao gấp nhiều lần năng suất chung của nền kinh tế.
Nếu năm 2010, ngành điện có năng suất lao động cao gấp 11,5 lần năng suất chung thì đến năm 2017 năng suất lao động của ngành này tăng cao gấp 15,1 lần năng suất lao động bình quân của nền kinh tế.
“Năng suất lao động được Tổng cục Thống kê tính toán bằng cách lấy giá trị gia tăng chia cho số lao động. Giá trị gia tăng gồm có lương và lợi nhuận, mỗi lần tăng giá điện thì hoặc đi vào lương, hoặc đi vào lợi nhuận, hoặc đi vào cả hai. Một ngành mà năng suất lao động cao hơn mức bình quân chung của nền kinh tế mười mấy lần là bất thường”, TS Bùi Trinh nhận xét.
Vì lẽ đó, theo vị chuyên gia, phải kiểm tra lương lao động ngành điện là bao nhiêu. “Giá trị gia tăng của ngành điện rất cao, trong khi lương của người lao động trực tiếp trong ngành điện không đáng là bao, chỉ có lương của ai đó rất nhiều và được hạch toán vào thu nhập của người lao động.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế năng lượng Nguyễn Khoa Khôi, việc kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN là bình thường và là việc phải làm, thuộc về nghiệp vụ của cơ quan chức năng.
Nhìn vào thành phần đoàn công tác, ông Khôi nhận xét, người biết nghiệp vụ chỉ có người của Cục Điều tiết điện lực và Bộ Tài chính, nhất là ngành điện có những vấn đề mà người ngoài ngành không thể hiểu được.
Về nguyên tắc, toàn bộ chi phí phục vụ trực tiếp cho sản xuất điện và chi phí gián tiếp có liên quan đến sản xuất điện thì mới được đưa vào giá thành sản xuất điện, còn những chi phí không liên quan đến sản xuất điện thì không đưa vào.
“Phải làm rõ giá thành sản xuất điện gồm những chi phí nào, chi phí nào là chi phí hợp lý.
Ví dụ, nhiệt điện chạy than thì than là chi phí lớn nhất; ngoài ra còn có các chi phí khác như dầu mỡ, tiền lương, khấu hao, chi phí sửa chữa thường xuyên, vật liệu phụ khác, tổn thất, chi phí sử dụng…
Tuy nhiên, họ có thể đưa vào những khoản mà nếu công khai ra thì khó chấp nhận, điều này cần phải làm rõ. Chẳng hạn, trong giá thành sản xuất điện có phần chi phí khác, nếu người ta đưa vào các chi phí như thưởng, chi phí tham quan, chi phí làm phúc lợi… là sai. Đó là những khoản nằm trong quỹ phúc lợi, không thể đưa vào giá thành sản xuất, nếu người đi thanh tra không nắm được, để người ta cho vào thì đành chịu.
Tương tự, cách tính giá thành lấy tổng chi phí chia cho điện thương phẩm, mà điện thương phẩm là điện sản xuất ra trừ đi điện tự dùng. Điện tự dùng là điện sử dụng để thắp sáng, điều khiển máy móc… nhưng không cẩn thận thì điện đó người ta lại đưa vào nhà khách công ty và tính vào giá thành sản xuất.
Hay điện tổn thất của truyền tải, mức tổn thất lớn hay nhỏ là do cố gắng của ngành điện, khó mà nói gì được”, chuyên gia năng lượng Nguyễn Khoa Khôi phân tích.