Đông Nam Á dần từ bỏ nhiệt điện than

TTO – Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), trong ba năm qua tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than mới ở khu vực Đông Nam Á liên tục giảm mạnh.

Đông Nam Á dần từ bỏ nhiệt điện than - Ảnh 1.

Các dự án năng lượng mặt trời đang được mở rộng tại các quốc gia Đông Nam Á. Trong ảnh là nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Phetchaburi, Thái Lan – Ảnh: REUTERS

Chỉ có một nhà máy công suất 1.500 MW được xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2019 ở Indonesia, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp diễn ra xu hướng giảm về công suất và số lượng các nhà máy nhiệt điện than mới ở Đông Nam Á trong bối cảnh điện tái tạo có sự tăng trưởng.

“Việc mở rộng công suất điện đốt than dự kiến ở Đông Nam Á đang bị xẹp đi hơn là bùng nổ. Số lượng nhà máy đi vào xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2019 là rất thấp, và chúng ta thấy sự suy giảm này sẽ còn tiếp diễn”.

Ông Ted Nace, giám đốc điều hành GEM

Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), trong ba năm qua tổng công suất các nhà máy điện than mới ở khu vực Đông Nam Á liên tục giảm mạnh. Nếu như năm 2016 tổng công suất là 12.920 MW thì năm 2017 giảm hơn một nửa, còn 6.355 MW, và tiếp tục giảm hơn một nửa còn 2.744 MW trong năm 2018.

Nhiệt điện thoái lui

Để đến được công đoạn xây dựng, các dự án phải được cam kết hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính đang từ chối tài trợ cho các dự án điện than ở các nước thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong năm 2019, Ngân hàng DBS của Singapore, Tập đoàn OCBC trụ sở tại Singapore, Ngân hàng UOB trụ sở ở Singapore và Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ trụ sở tại Nhật Bản là những cái tên mới nhất ở châu Á tham gia danh sách hơn 100 tổ chức tài chính trên thế giới hạn chế và ngừng cho vay với các dự án xây nhà máy nhiệt điện.

Đông Nam Á dần từ bỏ nhiệt điện than - Ảnh 3.

Tổng công suất nhiệt điện than ở Đông Nam Á từ năm 2015 đến giữa năm 2019 – Nguồn: GEM – Đồ họa: TUẤN ANH

Trong nhóm 10 nước có kế hoạch phát triển nhiệt điện than hàng đầu thế giới, đứng đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam đứng thứ 4, Indonesia thứ 6 và Philippines thứ 8.

Nếu tính tổng công suất dự kiến của ba nước Đông Nam Á trên, công suất nhiệt điện than dự kiến của khu vực này sẽ đứng thứ nhì thế giới với 48.924 MW, sau Trung Quốc – 74.229 MW và cao hơn Ấn Độ – 48.752 MW.

Tổ chức GEM nhận định những con số trên kế hoạch là lớn nhưng nhiều khả năng các dự án sẽ không thực sự khởi công do vấp phải sự phản đối của công chúng, và điện mặt trời và điện gió ngày càng rẻ hơn, cạnh tranh hơn.

Mục tiêu 23% điện tái tạo năm 2025

Cùng với xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 34 vào tháng 6 năm nay ở Thái Lan, lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất và khẳng định mục tiêu đến năm 2025, 23% nguồn cung năng lượng đến từ năng lượng tái tạo, hiện đại, bền vững.

Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) nhận định các quốc gia Đông Nam Á có nhu cầu lớn với năng lượng và do đó rất cần đảm bảo về an ninh năng lượng ở các khía cạnh giá cả phải chăng, dễ tiếp cận và bền vững để hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế.

Triển khai năng lượng tái tạo không phải là miễn phí, nhưng việc đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào nguồn năng lượng này có thể tạo ra những khoản tiết kiệm lớn.

Thái Lan là một trong những nước ASEAN dẫn đầu trong cuộc chuyển mình này với mục tiêu đến năm 2036, nguồn cung từ năng lượng tái tạo của cả nước đạt 30%.

Indonesia nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 23% năng lượng tái tạo vào năm 2025. Nghiên cứu cho thấy các sáng kiến tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, phát thải thấp có thể giúp Indonesia đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm 6% đến tận năm 2045.

Mới đây, tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 16-10 kêu gọi tăng tốc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Bà Badariah Yosiyana – Trung tâm Năng lượng ASEAN, một tổ chức liên chính phủ thuộc ASEAN – khẳng định ASEAN đang đi đúng hướng trong cuộc chuyển mình về năng lượng. Có thể thấy việc giảm tốc xây mới các nhà máy điện than ở ASEAN phù hợp với xu hướng chung toàn cầu, theo phân tích mới nhất của E3G – tổ chức độc lập về biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp trên toàn cầu vào tháng 8-2019.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Climate Action 2019 vào tháng 9-2019 tại Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng phát đi kêu gọi cắt giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trên toàn cầu. Theo nhận định của GEM, cuộc chuyển mình vào điện tái tạo là “một sự lựa chọn thông minh hơn để thúc đẩy nền kinh tế”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *