Ồ ạt làm điện mặt trời ở Gia Lai

 5 THANH NIÊN ONLINE
Một công trình điện mặt trời áp mái đang được thi công ở H.Phú Thiện (Gia Lai) /// Trần Hiếu

Một công trình điện mặt trời áp mái đang được thi công ở H.Phú Thiện (Gia Lai)

TRẦN HIẾU

Gia Lai là một trong số ít những tỉnh ở VN có bức xạ nhiệt tốt, số giờ nắng nhiều với trung bình khoảng 4 giờ nắng/ngày rất thích hợp cho việc phát triển điện mặt trời. Do đó, nhiều nhà đầu tư ở Gia Lai cũng như các tỉnh đã tìm đến đây để tìm hiểu cơ hội, khảo sát đầu tư điện mặt trời cả nhà máy lẫn điện mặt trời áp mái. Theo thông tin từ UBND tỉnh Gia Lai, hiện tỉnh này có 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 138 MWp. Các dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Gia Lai.

Theo đó, dự án điện mặt trời Krông Pa, công suất 49 MW với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng đã đóng điện vận hành tháng 11.2018. Dự án điện mặt trời Chư Ngọc, công suất 40 MWp, được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 – 12,75 MW, vận hành thương mại từ tháng 4.2019; giai đoạn 2 đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Dự án điện mặt trời Krông Pa 2, công suất 49 MWp, hiện đang triển khai.

Ngoài ra, 10 dự án điện mặt trời khác với tổng công suất 632 MWp đang tiến hành những thủ tục pháp lý để thực hiện dự án. Những dự án này tập trung ở các địa phương như huyện Phú Thiện, Krông Pa, thị xã Ayun Pa. Với suất đầu tư trong khoảng 25 – 29 tỉ đồng, điện mặt trời đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Tại Gia Lai, theo tính toán của ngành chuyên môn, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có tiềm năng về điện mặt trời. “Miếng bánh” này đang được các nhà đầu tư trong lẫn ngoài tỉnh đặc biệt quan tâm.

“Cơn lốc” điện mặt trời áp mái

Thời gian gần đây, trong nhiều không gian từ bàn tiệc cho đến những cuộc cà phê… tại phố núi đều râm ran câu chuyện đầu tư điện mặt trời áp mái. Đây là tín hiệu tích cực từ khi có Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Ồ ạt làm điện mặt trời ở Gia Lai - ảnh 1

Nhiều nhà đầu tư đổ xô đầu tư điện mặt trời áp mái

ẢNH: TRẦN HIẾU

Ông Võ Ngọc Quý – Phó giám đốc PC Gia Lai cho biết: “Theo quy định, những hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới và ký hợp đồng trước 1.7.2019 được ưu đãi giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 9,35 cent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh) có giá trị không đổi trong vòng 20 năm. Còn đối với những hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1.7.2019 đến 31.12.2020, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 8,34 cent/kWh (khoảng 1.943 đồng/kWh) và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện”.
Ông Phùng Văn Phước, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch – Đầu tư Gia Lai cho biết: “Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới và bổ sung ngành nghề liên quan đến điện áp mái tăng đột biến. Số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 200, doanh nghiệp bổ sung ngành nghề trên 500″.
Chỉ trong vòng một tháng qua đã có trên 300 chủ đầu tư đăng ký đầu tư dự án với tổng công suất trên 300 MWp.
Ồ ạt làm điện mặt trời ở Gia Lai - ảnh 2

Nhiều doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng

ẢNH: TRẦN HIẾU

Hiện có 319 dự án lắp đặt, đấu nối vào lưới điện hạ áp với tổng công suất 5,1 MWp; 17 dự án đấu nối vào lưới điện trung áp với tổng công suất 13,7 MWp. Tổng số tiền ngành điện đã trả cho các chủ đầu tư đến thời điểm hiện tại (mới chỉ trả cho các công trình đóng điện trước ngày 30.6.2019) là 8,9 tỉ đồng. Còn đối với các công trình đóng điện sau thời điểm 30.6.2019 đang chờ hướng dẫn của các cấp thẩm quyền.

Lùng mua đất nông nghiệp làm điện mặt trời

Sức hút điện mặt trời áp mái tại Gia Lai tạo nên một “cơn lốc” dây chuyền, từ người dân, nhà đầu tư cho đến hệ thống các ngân hàng. Nhiều người dân ở các khu vực chuyên canh hồ tiêu vốn chịu thảm bại khi tiêu rớt giá chạm đáy, tiêu chết dẫn đến mang nợ ngân hàng nay bán tháo ruộng đất cho các nhà đầu tư để trả nợ. Các nhà đầu tư cũng tích cực lùng mua đất ở các địa phương như Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông. Những vùng đất đẹp trồng hồ tiêu ngày trước có giá trên dưới 500 – 700 triệu đồng/ha, khi tiêu không còn là mặt hàng giá trị cao đã rớt giá xuống còn 300 – 400 triệu đồng/ha. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư thâu tóm đất ở những vùng có khả năng đấu nối điện mặt trời qua đánh giá của ngành điện.
Ông N.H.V, một người dân ở H.Chư Rrông, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2,5 ha đất, chủ yếu trồng hồ tiêu nhưng tiêu cũng chết, sổ đỏ thì thế chấp ở ngân hàng. Giờ kêu bán và đã có nhiều người tới tìm mua vì họ bảo ở đây có thể làm điện mặt trời áp mái. Chừng đó đất, họ mua với giá trên dưới 800 triệu là được rồi”.
Anh Trần Quang Thành, một nhà đầu tư tính toán : Tại Gia Lai nắng khoảng 4 giờ/ngày. Đầu tư 1 MWp điện mặt trời áp mái khoảng 15 tỉ đồng trong khi số tiền thu được từ bán điện dao động trong khoảng 2,8 – 3,2 tỷ đồng/năm. Với mức đầu tư và thu vào như thế, chỉ trong chừng 6 – 7 năm là hòa vốn. Do vậy, sức hút điện mặt trời hiện rất lớn.
Ồ ạt làm điện mặt trời ở Gia Lai - ảnh 3

Một hệ thống điện mặt trời áp mái vừa hoàn thành ở Gia Lai

ẢNH: TRẦN HIẾU

Trao đổi với PV Thanh Niên, một giám đốc ngân hàng thương mại có chi nhánh ở Gia Lai nói: “Có nhiều ngân hàng đang cho vay để làm điện mặt trời áp mái. Có nơi thì cho vay theo dự án, có nơi thì có hẳn gói vay về điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, tất cả đều phải phụ thuộc vào điều kiện đấu nối để thực hiện dự án”.
Ông Phạm Văn Binh – Giám đốc Sở Công thương Gia Lai khuyến cáo: “Hiện việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Gia Lai còn một số tồn tại, bất cập như: Bộ Công thương mới chỉ xây dựng, đang lấy ý kiến, chưa ban hành Thông tư quy định về việc phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Một số cá nhân, tổ chức đã mua đất, vay vốn tín dụng để triển khai đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, kết hợp với đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trong khi chưa đảm bảo các hồ sơ thiết kế của công trình theo quy định của pháp luật… nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn công trình. Một số dự án khi hoàn thành không đảm bảo khả năng giải tỏa công suất. Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng đã ký kết hợp đồng cho vay vốn trong khi các nhà đầu tư chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện của dự án theo quy định nên tiềm ẩn rủi ro gây nợ xấu nếu dự án không triển khai được hoặc không đảm bảo khả năng giải tỏa hết công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ngoài ra, một số địa phương khi triển khai đầu tư các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn lúng túng…”.