Tháng 9, TP.HCM lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công sở

Dự kiến tháng 9-2023, TP.HCM sẽ triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Dự kiến tháng 9-2023, TP.HCM sẽ lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công sở - Ảnh: NGỌC HIỂN

Dự kiến tháng 9-2023, TP.HCM sẽ lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công sở – Ảnh: NGỌC HIỂN

Thông tin về lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công sở được bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nêu tại chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” với chủ đề “Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM: trách nhiệm – hành động”, sáng 6-8.

Cử tri đã đặt câu hỏi khi nào TP.HCM triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế tại nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM?

Mặt khác, cử tri cũng đặt vấn đề TP có lường hết tác hại việc sử dụng hệ thống điện mặt trời chưa. Việc đảm bảo an toàn khi triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời có được TP quan tâm?

Trao đổi về việc này, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết hiện nay TP giao Sở Công Thương phối hợp với các sở ngành để xây dựng đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Hiện sở đang hoàn thiện để trình UBND TP trong tháng 8-2023 và triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời vào tháng 9-2023.

Về tác động của hệ thống điện mặt trời, bà Ngọc cho biết chủ yếu nằm ở vấn đề pin thải. Quy định hiện nay đã đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm buộc các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi, tái chế để không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Việc đảm bảo an toàn về môi trường, phòng cháy chữa cháy, điện, cũng như mỹ quan, thiết kế kiến trúc, trong đề án sẽ quy định trách nhiệm các cơ quan liên quan.

Trước đó, trong báo cáo tác động trình Quốc hội khi xem xét nghị quyết 98, TP.HCM cũng nêu UBND TP quyết định việc sử dụng mái nhà bảo đảm điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn TP để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ hoạt động của trụ sở đó.

Việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn phòng cháy chữa cháy; an toàn công trình xây dựng, phù hợp về mỹ quan, kiến trúc và môi trường theo quy định của pháp luật.

Cũng theo bà Ngọc, thời gian qua, việc quản lý lắp đặt hệ thống điện mặt trời đối với các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TP thực hiện theo quy định của quyết định 13 của Thủ tướng và thông tư 18 năm 2020 của Bộ Công Thương.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện đăng ký đấu nối với ngành điện các thông tin bao gồm địa điểm lắp đặt, quy mô công suất, đường dây tải điện, điểm đấu nối dự kiến. Ngành điện có ý kiến về khả năng đấu nối, truyền tải công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà để làm cơ sở hai bên ký thỏa thuận đấu nối.

Sau khi thực hiện lắp đặt xong, đúng với nội dung đã thỏa thuận, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp gửi hồ sơ đến ngành điện để thực hiện kiểm tra kỹ thuật, ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện đưa vào vận hành.

Ngành điện cũng chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi hoạt động vận hành các hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện nội dung vi phạm pháp luật, ngành điện có trách nhiệm thực hiện tạm dừng kết nối với hệ thống điện, lập biên bản và báo cáo Bộ Công Thương để xử lý theo quy định hiện hành.

Vừa qua, Bộ Công Thương cũng có đoàn kiểm tra việc lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM. Bộ cũng nhận định việc lắp đặt, vận hành phù hợp quy định.

Theo bao tuoir trẻ .