Nghịch lý điện mái nhà

Huỳnh – chủ một doanh nghiệp sản xuất – nói với tôi, nếu được phép lắp đặt điện mặt trời áp mái, anh có thể tiết kiệm mỗi tháng hàng trăm triệu đồng, không chỉ giảm gánh nặng chi phí mà còn thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu tiêu chí xanh.

Doanh nghiệp này đủ khả năng đầu tư bộ tích trữ điện sử dụng cho cả ban đêm, những lúc trời thiếu nắng, tận dụng mặt bằng mái nhà xưởng rộng hơn 3.700 m2.

Trong năm nay, điện hai lần tăng giá. Với mức tăng bình quân mỗi lần 3% và 4,5%, riêng chi phí đầu vào doanh nghiệp gánh chịu tăng thêm khoảng 2%. Giai đoạn cao điểm cuối năm, tiền điện chiếm phần lớn trong doanh thu. Với các đơn hàng cũ đã ký hợp đồng anh đành chấp nhận chi phí đội lên nhưng sắp tới, thỏa thuận với đối tác trước áp lực cạnh tranh kinh khủng nếu tăng giá sẽ không có đơn hàng, còn giữ giá cũ lại rất khó cho doanh nghiệp.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất khác – nơi có nhu cầu tiêu thụ điện cao – rất muốn lắp đặt điện mặt trời tự sản tự tiêu và không nhất thiết kết nối với điện lực (trừ khi thiếu điện phải mua) nhưng đành chịu, không thể triển khai vì chưa có chủ trương chính sách thực hiện.

Bộ Công thương chỉ mới cho phép phát triển điện mặt trời lắp đặt tại văn phòng, nhà ở chứ chưa áp dụng cho các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất. Nhưng đối tượng được phép, được nhắm tới để khuyến khích thì ít có nhu cầu triển khai, do nhiều nguyên nhân.

Ban đầu tôi dự định tận dụng diện tích 75m2 trên mái nhà để lắp đặt điện mặt trời, sau khi tính toán tôi đã đổi ý. Mức giá lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đã giảm so với trước đây nhưng số tiền đầu tư cũng lên đến gần 100 triệu đồng. Với chi phí đó, lượng điện dư thừa không được mua lại hoặc hòa lưới điện sẽ rất lãng phí. Ban ngày, gia đình tôi đi làm, tiêu thụ điện không bao nhiêu, ban đêm cần thì lại không có. Muốn sử dụng ban đêm, phải đầu tư thêm bộ tích trữ điện khá tốn kém mà thời hạn sử dụng chỉ khoảng 10 năm.

Sau khi tìm hiểu, tôi thấy mua điện từ hệ thống sẽ lợi hơn, vừa ổn định nguồn cung cấp vừa tiết kiệm, không rắc rối thủ tục, hồ sơ và công tác vận hành, bảo trì.

Các cơ sở, nhà máy, doanh nghiệp có đủ tiềm lực đầu tư, có sẵn mái nhà rộng hơn lại chưa được phép, và vẫn đang chịu cảnh thiếu điện sản xuất.

Việc khuyến khích điện mặt trời áp mái vì vậy còn tồn tại nghịch lý: nơi cần và đủ điều kiện thì không được cho phép, nơi được cho phép thì chưa khả thi về điều kiện lẫn kinh tế.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu điện mặt trời mái nhà tự sản, tự sẽ đạt độ bao phủ 50% số tòa nhà công sở, nhà dân vào 2030. Quy hoạch cũng hướng tới phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030. TP HCM là nơi phát triển mạnh hệ thống điện mặt trời mái nhà so với các tỉnh thành, đến nay chỉ có khoảng 14.150 hệ thống đang vận hành, tổng công suất 355 MW, chiếm khoảng 7% công suất trung bình toàn hệ thống điện.

Phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích đối với điện mặt trời nhưng lại hạn chế đấu nối bán lại lượng điện sản xuất ra, kể cả nhiều dự án kinh doanh thương mại đã hoàn thành, khiến nhà đầu tư chưa kịp khai thác đã bị thiệt hại. Thực tế diễn ra có vẻ đang đi ngược với mục tiêu xanh, chuyển đổi năng lượng. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do chúng ta chưa đảm bảo khả năng truyền tải cho hệ thống. Nhưng điện mặt trời phục vụ sản xuất, hoạt động tại chỗ và không đấu nối vào lưới điện quốc gia, sẽ không ảnh hưởng đến khả năng truyền tải.

Tôi nghĩ nên tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tháo gỡ trở ngại để sớm đưa vào khai thác tối đa các dự án điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Việc này không chỉ tận dụng các dự án điện mặt trời, hạn chế lãng phí, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao mà còn tạo niềm tin xã hội hóa huy động nguồn lực trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tiếp đó cần có giải pháp tổng thể mở rộng, nâng cao năng lực truyền tải cho hệ thống về lâu dài.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng, giải pháp dễ nhìn thấy là chủ động và đa dạng hóa nguồn cung bằng cách cho phép các cơ sở có thể phát triển điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu chứ không giới hạn ở những nhóm đối tượng nhỏ.

Sử dụng điện mặt trời không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn tạo lợi thế cho sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh theo yêu cầu phía đối tác nhập khẩu. Các doanh nghiệp đồ gỗ, da giày, dệt may, nhuộm cùng nhiều cơ sở sản xuất khác trong nước cũng đã cho biết phía đối tác đề nghị họ đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng nếu muốn đáp ứng các tiêu chí phát thải khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước nhập khẩu như thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến khích năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế xanh đòi hỏi sự quyết đoán về mặt cơ chế, chính sách, thủ tục; và phải triển khai ngay từ bây giờ.

Trần Văn Trãi