Cần sớm có giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

(Chinhphu.vn) – Đến chiều 20/3 mới chỉ có duy nhất một chủ đầu tư trong số 85 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp gửi hồ sơ để chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện theo các văn bản, chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Lý do được các chủ đầu tư đưa ra là khung giá phát điện chuyển tiếp theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương chưa phù hợp, thấp hơn nhiều so với cơ chế giá ưu đãi trước đó (cơ chế giá FIT đã hết hiệu lực).

23/03/2023  12:09
Cần sớm có giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp - Ảnh 1.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam trao đổi với các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp – Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Vậy giá điện của các dự án NLTT chuyển tiếp như thế nào là phù hợp, các nhà đầu tư của các dự án này có kiến nghị gì tới các bộ, ngành chức năng để tháo gỡ vướng mắc về giá điện của các dự án NLTT chuyển tiếp nhằm sớm đưa các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng vào huy động, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia?

Tại buổi trao đổi giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) với chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp với tinh thần cầu thị, lắng nghe để tháo gỡ vướng mắc về hợp đồng mua bán điện cho các dự án này, hàng loạt kiến nghị của các chủ đầu tư đã được nêu ra.

Đại diện các chủ đầu tư cho biết, nguyên nhân các doanh nghiệp này chưa nộp hồ sơ đàm phán giá điện chuyển tiếp với công ty mua bán điện, đồng thời hơn 30 chủ đầu tư khác đã ký đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án NLTT chuyển tiếp mà Bộ Công Thương ban hành là cơ chế giá phát điện chưa phù hợp và chưa bảo đảm khách quan.

Cần khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án NLTT chuyển tiếp

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng T&T Group, đại điện các chủ đầu tư dự án NLTT chuyển tiếp cho rằng Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp có phần vội vàng, nhiều điểm chưa phù hợp trong việc tính toán, trình và lấy ý kiến của các bên liên quan.

“Các nhà đầu tư bị ảnh hưởng trực tiếp không được hỏi ý kiến. Việc tính toán cũng chưa thuê tư vấn độc lập và chưa phù hợp với thực tế và hồ sơ của nhà đầu tư đã gửi EVN”, đại điện T&T Group cho biết.

Theo bà Bình, hiện 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất hơn 2090,9 MW gồm 28 dự án điện gió với tổng công suất 1.638,35 MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm, đảm bảo đủ điều kiện huy động.

Bà Bình nhấn mạnh, “nếu chứng kiến những cánh đồng điện gió với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng đứng yên trong hơn một năm qua thì mới thấy xót xa thế nào. Việc không được huy động là một thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư”.

Các nhà đầu tư cũng bày tỏ băn khoăn trước việc Bộ Công Thương bãi bỏ các điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ các dự án NLTT đồng nghĩa với việc dự án không còn được ưu tiên trong huy động công suất như trước đây. Từ đó việc cắt giảm công suất sẽ diễn ra thường xuyên với các dự án điện gió, điện mặt trời.

Theo các chủ đầu tư, cùng với một khung giá điện bất hợp lý của Quyết định 21, việc xóa bỏ các chính sách khuyến khích theo Thông tư 01 trên đây sẽ làm thay đổi mô hình tài chính, làm mất khả năng tiếp cận vốn vay và quản lý rủi ro, đứng trước nhiều nguy cơ, khó khăn, làm các nhà đầu tư tiềm năng không dám đầu tư phát triển NLTT.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng T&T Group đề xuất: “Các dự án điện đã hoàn thành được huy động với mức giá mua điện bằng 90% giá điện nhập khẩu. Phương án tạm này áp dụng cho đến khi Chính phủ có Quyết định chính thức về cơ chế giá điện cho các dự án chuyển tiếp”.

Cần sớm có giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng T&T Group – Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Ông Phạm Lê Quang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty Cổ phần BCG Energy kiến nghị Bộ Công Thương cho phép các dự án đã được kiểm tra, nghiệm thu được đóng điện, tránh lãng phí xã hội. Đại diện đơn vị này đồng thời cho biết, hiện nhiều dự án rơi vào tình trạng thỏa thuận đấu nối hết hạn và còn nhiều vướng mắc về thủ tục đàm phán mua bán điện, việc đánh giá giải tỏa công suất.

Ông Đỗ Văn Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần NLTT Đại Dương cũng cho hay, các doanh nghiệp rất trăn trở vì khung giá không đủ bù đắp cho các vấn đề đã đầu tư rồi.

Việc đưa các công thức tính toán hiện nay cũng được các nhà đầu tư cho là không thỏa đáng bởi dựa trên các thông số sản lượng điện phát cao nhất, vốn đầu tư nhỏ nhất để ra giá tối ưu trong khi thực tế thì không vận hành được mức đó, gây bất lợi cho các doanh nghiệp.

Chia sẻ với những quan điểm này, ông Somchak Chutanan, đại diện Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) cũng cho rằng, mức giá mà Bộ Công Thương ban hành thấp, khiến khó thực hiện dự án.

“Vì vậy, mong muốn tính toán thêm với các tư vấn, sử dụng thông số đầu vào hợp lý hơn để cho kết quả tốt hơn bởi giá điện mặt trời cố định trước đây cũng cạnh tranh hơn giá điện than, điện khí”, đại diện đến từ Thái Lan nêu quan điểm.

Cần sớm có giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp - Ảnh 3.

Ông Somchak Chutanan, đại diện Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) – Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Cầu thị lắng nghe để tìm hướng giải quyết

Chia sẻ với các khó khăn hiện hữu của nhiều nhà đầu tư vào các dự án NLTT (điện gió, điện mặt trời) đã không kịp tiến độ để được hưởng giá điện ưu đãi (giá FIT) theo các quy định của Nhà nước, song ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, nhà đầu tư phải chấp nhận “luật chơi có thời hạn” để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các chủ đầu tư.

Ông Hùng cho biết, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá điện chuyển tiếp theo đúng các quy định của pháp luật và doanh nghiệp, bao gồm cả nhà đầu tư các dự án NLTT và đơn vị mua, bán điện là EVN cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn này.

Việc đàm phán trong khung giá, ông Phạm Nguyên Hùng đề xuất EVN cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình các bước từ việc nộp hồ sơ,

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo dẫn ra ví dụ cụ thể như dự án cần nộp 10 tài liệu để chứng minh được dự án tuân thủ pháp luật, thế nhưng đến thời điểm nộp mới có 7 tài liệu còn các tài liệu khác như giấy phép điện lực, văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền đưa vào xây dựng, đầu tư hay một số văn bản khác về PCCC… có thể nhà đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện thì cần hướng dẫn cụ thể đến khi có đủ tài liệu mới bắt đầu đàm phán hay là tiến hành đàm phán song song trên cơ sở những tài liệu cần thiết và những tài liệu còn lại thì cho phép nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện, bổ sung.

“Khi ký Hợp đồng mua bán điện PPA thì đương nhiên nhà đầu tư phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đảm bảo dự án/phần dự án tuân thủ đúng quy định pháp luật như Thông tư 15 đã nêu”, ông Hùng nhấn mạnh.

Dưới góc độ nhà mua điện từ các dự án NLTT, ông Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng kinh doanh mua điện của Công ty mua bán điện (EVN) cho biết: “Hiện do Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn chi tiết về phương pháp đàm phán cũng như danh mục các hồ sơ, tài liệu, nên chúng tôi đang sử dụng một số quy định hiện hành áp dụng chung cho các nhà máy điện khác”.

“Trong quá trình các nhà đầu tư gửi hồ sơ, chúng tôi sẽ tiến hành thẩm định, trong trường hợp đã đầy đủ theo yêu cầu sẽ tiến hành đàm phán luôn và không phải gửi 100% hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu, nhưng ít nhất là các nhà đầu tư phải hợp tác để gửi hồ sơ, tài liệu để chúng tôi xem xét trước. Trong quá trình triển khai chúng tôi sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp. Khi Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn chi tiết, chúng tôi sẽ hướng dẫn nhà đầu tư chi tiết hơn để đáp ứng được yêu cầu”, ông Khải nói.

Tại hội nghị, trao đổi với các chủ đầu tư dự án NLTT chuyển tiếp mới đây, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến từ các chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan đã ghi nhận ý kiến của các chủ đầu tư tại Hội nghị, đồng thời mong muốn Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, làm căn cứ để EVN và Chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán.

Riêng về vấn đề thỏa thuận đấu nối lưới điện, nếu thỏa thuận cũ đã ký hết hạn thì chủ đầu tư cần sớm làm việc với đơn vị vận hành lưới điện để rà soát, cập nhật lại các số liệu tính toán và tình trạng vận hành mới nhất.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết phía EVN rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán với mong muốn các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Toàn Thắng