Tại tờ trình, Bộ Công Thương cho biết, báo cáo của Viện Năng lượng thực hiện tháng 2/2020 đã rà soát cân đối cung cầu điện giai đoạn 2020 – 2025 trên cơ sở đánh giá hiện trạng triển khai, tiến độ vận hành của các dự án nguồn điện đã được phê duyệt trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch VII điều chỉnh). Theo đó, để đảm bảo cân đối cung cầu điện cần nghiên cứu tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là nguồn điện mặt trời do có thể thực hiện nhanh, đáp ứng tiến độ vận hành ngay từ năm 2021.
Tổng công suất nguồn điện mặt trời dự kiến phát triển giai đoạn đến năm 2025 là 14.450 MW, đến năm 2030 là 20.050 MW. Hiện tại đã thực hiện bổ sung vào quy hoạch 10.300 MW. Như vậy, giai đoạn đến 2025 cần bổ sung thêm khoảng 4.000 MW (tương ứng 5.000 MWp), giai đoạn 2026 – 2030 cần bổ sung thêm khoảng 5.600 MW (7.000 MWp) để thực hiện cơ chế đấu thầu/xác định giá điện cạnh tranh.
Bộ Công Thương báo cáo kế hoạch triển khai đồng thời 03 phương án triển khai đấu thầu/xác định giá điện cạnh tranh.
Phương án 1: đấu giá theo dự án để xác định giá mua điện cạnh tranh đối với các dự án điện mặt trời được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực và không thuộc đối tượng được áp dụng cơ chế giá điện cố định. Đây là phương án được đề xuất thực hiện trong giai đoạn đến tháng 6/2021 nhằm huy động nhanh nguồn điện mặt trời đảm bảo tính cạnh tranh (giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế giá cố định chuyển sang thực hiện theo cơ chế đấu thầu).
Tổng quy mô đấu giá cạnh tranh để huy động phát triển điện mặt trời trong giai đoạn đến tháng 6/2021: khoảng 1.000 MW (trên tổng công suất 1.600 MW tham gia đấu giá cạnh tranh theo dự án).
Đối tượng áp dụng là các dự án điện mặt trời được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực và không thuộc đối tượng được áp dụng cơ chế giá điện cố định mới (đã xác định vị trí, diện tích mặt đất/mặt nước, phương án đấu nối, chủ đầu tư đề xuất… của dự án) tham gia đấu giá cạnh tranh, bao gồm: 07 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 600 MW đã có trong quy hoạch và khoảng 1.000 MW sẽ bổ sung quy hoạch.
Nguyên tắc thực hiện: các dự án đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, có giá điện đề xuất cạnh tranh, dưới mức giá trần, được đánh giá từ thấp đến cao cho đến khi đạt tổng quy mô công suất yêu cầu của vòng đấu giá (1.000 MW). Mức giá trần: điện mặt trời nổi: tương đương 7,69 UScent/kWh; điện mặt trời mặt đất: tương đương 7,09 UScent/kWh.
Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện mặt trời đảm bảo nguyên tắc sau đây: giá mua điện áp dụng là mức giá nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ đề xuất của dự án được lựa chọn thông qua quá trình đấu giá cạnh tranh. Giá mua điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá của đồng Việt Nam với đô la Mỹ (tính tương đương UScents/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm cùa đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho năm tiếp theo. Thời hạn áp dụng: 20 năm. Cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng phát điện của dự án điện mặt trời lên lưới điện quốc gia (trường hợp không nhận điện từ nhà máy điện mặt trời khi nhà máy điện mặt trời sẵn sàng phát điện do lỗi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì vẫn phải thanh toán tiền cho sản lượng điện đã cam kết mua).
Phương án 2: đấu giá theo trạm biến áp: áp dụng đối với các dự án điện mặt trời có quy mô công suất từ 10 MW – 100 MW. Lộ trình thực hiện: xây dựng cơ chế và thực hiện thí điểm (giai đoạn 2020 – 2021); áp dụng rộng rãi từ tháng 7/2021.
Nguyên tắc thực hiện: quy trình đấu giá cạnh tranh trong phương án này được thực hiện trên cơ sở đề xuất các dự án và giá mua bán điện cho các dự án điện mặt trời được đấu nối về các trạm biến áp hoặc đường dây theo danh mục được Bộ Công Thương công bố. Danh mục trạm biến áp và đường dây được lập trên cơ sở tính toán khả năng giài tỏa công suất và nhu cầu mua điện, bao gồm các thông tin về tên/vị trí các TBA, đường dây, công suất có thể tiếp nhận của TBA, đường dây và quy mô công suất phát triển tối đa của khu vực, phù hợp quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kết quả dự kiến của quá trình đấu giá gồm nhiều dự án đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, có giá điện đề xuất cạnh tranh, dưới mức giá trần, được đánh giá từ thấp đến cao cho đến khi đạt tổng quy mô công suất yêu cầu của vòng đấu giá. Trong mô hình này, nhà đầu tư đề xuất vị trí dự án trên cơ sở thông tin về danh mục trạm biến áp và đường dây và khu vực tiềm năng phát triển điện mặt trời tại quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Nhà đầu tư tự thực hiện các thủ tục về thu xếp đất đai, chuẩn bị hạ tầng đấu nối, tiếp cận dự án và các thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành.
Ảnh minh họa
Phương án 2 có các ưu điểm như sau: tăng cường quản lý phát triển hệ thống điện, phát triển nguồn theo đúng quy hoạch kế hoạch, đúng mục tiêu và đúng khu vực, đảm bảo hiệu quả đầu tư và vận hành hệ thống chất lượng, an toàn. Tối ưu công suất sẵn có của lưới điện truyền tải để phát triển các dự án điện mặt trời, giảm thiểu chi phí tích hợp nguồn điện mặt trời như chi phí nâng cấp, mở rộng hệ thống truyền tải, phân phối.
Quy trình xác định giá điện, lựa chọn dự án đơn giản, nhanh chóng, minh bạch, dễ dàng huy động nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo, đáp ứng nhu cầu, phù hợp với các đối tượng dự án quy mô vừa và nhỏ.
Huy động hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong nước, thúc đẩy phát triển thị trường cung cấp tài chính trên cơ sở thương mại, thúc đẩy thị trường cung cấp dịch vụ, thiết bị trong nước.
Không yêu cầu bố trí ngân sách tài chính đối với UBND tỉnh để thu xếp hạ tầng cơ sở chuẩn bị cho phát triển dự án.
Hạn chế tác động quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Theo kinh nghiệm thế giới, để đảm bảo triển khai hiệu quả cơ chế đấu giá cạnh tranh theo trạm biến áp, đáp ứng mục tiêu phát triển với mức giá tối ưu, việc nghiên cứu hoàn chỉnh khung pháp lý nhằm đơn giản thủ tục đầu tư, phân bổ hợp lý trách nhiệm và quyền lợi các bên trong hợp đồng mua bán điện giữ vai trò quan trọng tác động đến chi phí phát triển dự án và giá mua điện.
Báo cáo mới chỉ dừng lại ở những nghiên cứu, đề xuất trong giai đoạn xây dựng cơ chế và thực hiện thí điểm. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát nghiên cứu, hoàn chỉnh phương án 2 về đấu giá cạnh tranh theo trạm biến áp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng rộng rãi.
Phương án 3: đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án cụ thể. Phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án cụ thể áp dụng đối với các vị trí tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nổi và các dự án điện mặt trời trên mặt đất có quy mô lớn (hơn 100 MW).
Lộ trình thực hiện: xây dựng cơ chế và thực hiện thí điểm (giai đoạn 2020 – 2021); áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2021.
Nguyên tắc thực hiện: quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án cụ thể được thực hiện trên cơ sở đánh giá các đề xuất dự án đối với 01 vị trí dự án cụ thể được công bố, gồm các thông tin về tên dự án, vị trí, tọa độ, quy mô công suất, định hướng đấu nối.
Trong mô hình này, UBND tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện hiện bố trí mặt bàng dự án, mặt bằng hướng tuyến, chuẩn bị hạ tầng đấu nối, tiếp cận dự án.
Ưu điểm của phương án này là quản lý quy hoạch, hệ thống điện đồng bộ, an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phụ tải. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư minh bạch, phân định rõ trách nhiệm các bên, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn vốn trong nước, quốc tế tham gia đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời quy mô lớn, yêu cầu nguồn vốn lớn. Tác động tích cực đến giảm chi phí phát triển dự án, giá mua điện.
Phương án 3 có hạn chế lớn nhất về yêu cầu phần nhà nước tham gia. Thực tế triển khai các dự án áp dụng hình thức đối tác công tư hiện nay cho thấy việc bố trí vốn nhà nước cho các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để chuẩn bị hạ tầng đất đai, đường giao thông, hạ tầng đấu nối hệ thống điện rất khó khăn, mất nhiều thời gian và nguồn lực.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất xem xét áp dụng phương án 3 cho phát triển các dự án điện mặt trời quy mô lớn, điện mặt trời nổi (trên các mặt hồ thủy điện hoặc thủy lợi). Dự án điện mặt trời nổi không yêu cầu lớn về bố trí vốn ngân sách từ địa phương để chuẩn bị mặt bằng phát triển dự án do sử dụng mặt hồ. Tuy nhiên, các dự án điện mặt trời nổi có quy mô khá lớn nên cần thiết phải chuẩn bị phương án đầu tư hạ tầng truyền tải cho dự án. Mặt khác, hợp đồng mua bán điện của các dự án này cũng cần được điều chỉnh phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia để có thể huy động nguồn vốn lớn trong nước và nước ngoài. Sau giai đoạn xây dựng cơ chế và thực hiện thí điểm, mô hình dự kiến được đề xuất áp dụng rộng rãi từ tháng 7/2021.
Trên cơ sở các phân tích nêu trên, Bộ Công Thương kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định thực hiện phương án 1 về đấu giá theo dự án để huy động phát triển các dự án điện mặt trời được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, bao gồm các nội dung: giai đoạn thực hiện; quy mô; đối tượng tham gia; mức giá trần; nguyên tắc, phương thức và trách nhiệm thực hiện
Sau khi Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng từ ngày 01/7/2019 được ban hành và cơ chế đấu giá theo dự án (phương án 1) được quyết định, Thù tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực danh mục 21 dự án điện mặt trời đã hoàn thành công tác thẩm định.
Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục nghiên cứu xây dựng và áp dụng thí điểm cơ chế đấu giá theo trạm biến áp và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (phương án 2 và phương án 3), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định áp dụng rộng rãi.
PV