(TBKTSG) – Người dân bình thường đọc hai mẩu tin về điện được các báo đăng vào tuần trước ắt sẽ chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra: một tin cho biết Bộ Công Thương đang tính toán tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc do lo ngại những năm sắp tới sẽ thiếu điện (Tuổi Trẻ); một tin cho hay đang xảy ra tình trạng dư thừa điện mặt trời, nhất là ở Ninh Thuận và Bình Thuận, đến nỗi nhiều dự án bị ép phải cắt giảm công suất (Thanh Niên).
|
Dự án điện gió kết hợp điện mặt trời của Công ty Trung Nam ở Ninh Thuận. Ảnh công ty cung cấp |
Bùng nổ điện mặt trời ở các tỉnh miền Trung chính là hệ quả đáng được trông chờ từ một chính sách khuyến khích, đặc biệt là giá mua điện mặt trời: Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ nói rõ “Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh”. Quyết định này còn đưa ra các ưu đãi khác cho các dự án điện mặt trời như được miễn thuế nhập khẩu, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Chẳng lạ gì khi tính đến ngày 30-6-2019, có đến 82 nhà máy điện mặt trời nối vào lưới điện quốc gia với công suất lên đến 4.464 MW trong khi trước đó quy hoạch điện mặt trời cho đến năm 2020 chỉ có 850 MW.
Đáng tiếc chính sách khuyến khích này không có được sự phối hợp giữa các bên, mặc dù Quyết định 11/2017 nói rõ Bộ Công Thương lập quy hoạch điện mặt trời quốc gia và ủy ban nhân dân tỉnh lập quy hoạch điện mặt trời cấp tỉnh trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt. Lẽ ra khi cấp phép cho từng dự án, cũng như lập quy hoạch chung, các bên phải tính đến khả năng truyền tải của hệ thống cũng như tiến độ xây dựng hệ thống truyền tải mới. Một khi không có sự phối hợp đồng bộ, việc quá tải ắt sẽ xảy ra.
Chính sách khuyến khích là một sự cam kết của Chính phủ đối với doanh nghiệp. Phát triển điện mặt trời cũng là xu hướng hiện nay của cả thế giới (chẳng hạn đang có dự án làm điện mặt trời ở Úc rồi dùng cáp biển dài 3.800 ki lô mét truyền tải điện về lại Singapore – trị giá dự án lên đến 20 tỉ đô la, hay như ở Mỹ điện mặt trời hiện nay đã trở thành nguồn cung cấp điện lớn nhất). Công nghệ điện mặt trời ngày càng rẻ và ngày càng hiệu quả hơn. Vấn đề còn lại là nhanh chóng xây dựng nâng cấp hệ thống truyền tải điện hay nói đúng hơn là xác định ưu tiên mua loại điện nào, từ nhà máy nào.
Giá mua điện 2.086 đồng/kWh nói ở trên chỉ áp dụng cho nhà máy điện mặt trời nối lưới trước ngày 30-6-2019. Tùy vào tình hình vận hành cũng như năng lực truyền tải điện mà Bộ Công Thương có thể thay đổi hay đề xuất Chính phủ thay đổi giá mua. Hiện nay giá mua điện từ nhà máy nhiệt điện than cao nhất là 1.896 đồng/kWh, của thủy điện là 1.110 đồng/kWh. Giá điện mặt trời có thể cao nhưng điện mặt trời không kéo theo các hệ lụy phải giải quyết như ô nhiễm môi trường hay gián tiếp gây ra nạn phá rừng quy mô lớn.
Thế giới đang dần chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời là ưu tiên số 1. Đức đã tuyên bố sẽ đóng cửa 84 nhà máy điện chạy than, Ấn Độ hủy nhiều dự án nhiệt điện vì giá điện mặt trời ngày càng rẻ. Úc muốn chuyển từ nước xuất khẩu than và khí đốt thành nước xuất khẩu điện mặt trời qua các dự án điện mặt trời và điện gió khổng lồ ở Tây Úc. Tại sao không nhân cơ hội này vẽ lại bản đồ khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam, là nơi nhiều nắng, nhiều gió thay vì tính đến chuyện xa xôi là nhập khẩu điện từ Lào hay Trung Quốc?
|