Quy hoạch điện 8: Ưu tiên phát triển mạnh năng lượng tái tạo

Nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển mạnh trong giai đoạn tới, có thể lên tới 70% vào năm 2050 nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng công bằng.

Quy hoạch điện 8: Ưu tiên phát triển mạnh năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện 8 – Ảnh: TÂM AN

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định số 500 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện 8).

Đây là quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam, gồm công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.

Tiếp tục ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quy hoạch điện 8 nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5 – 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

Đáng chú ý, quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030.

Mục tiêu là hướng tới đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 – 71,5%.

Bên cạnh đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Việc định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhằm giúp kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Kết quả này nhằm hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP.

Để thực hiện nguồn và lưới điện, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỉ USD và tăng lên 399,2 – 523,1 tỉ USD cho giai đoạn 2031-2050.

Trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 – 511,2 tỉ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8 – 38,6 tỉ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Xử lý dứt điểm các dự án gặp vướng mắc, hướng tới xuất khẩu điện

Cùng với việc đầu tư hệ thống nguồn và lưới điện trên, dự kiến đến năm 2030 sẽ hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Các trung tâm này gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo.

Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ…

Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 – 10.000MW.

Theo quy hoạch, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, hệ thống sơ đồ, dữ liệu. Bộ được giao hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024; trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp.

Bộ cũng sẽ phải làm việc với các bộ ngành, địa phương và các chủ đầu tư để rà soát kỹ các quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Không hợp thức hóa sai phạm trong quy hoạch

Như vậy sau 2 năm xây dựng quy hoạch điện 8 với khoảng chục tờ trình được Bộ Công Thương gửi Thủ tướng, quy hoạch này đã được ban hành.

Nhiều nhà đầu tư và giới chuyên gia bày tỏ sự mong chờ với quy hoạch này, sau một thời gian phát triển “nóng” nguồn năng lượng tái tạo. Tuy vậy, để thực hiện quy hoạch còn nhiều thách thức đặt ra cho các bên liên quan.

Quan điểm của Chính phủ trong quy hoạch này là “điện lực phải đi trước một bước”, quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Phát triển trên nguyên tắc tối ưu các nguồn, có tính kế thừa, mang tính động và mở nhưng không hợp thức hóa những sai phạm. Coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.

Ngọc An- BÁo tuổi trẻ