Theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định năm 2020 của Việt Nam gửi Ban thư ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính theo kịch bản phát triển thông thường từ lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc lĩnh vực công thương vào năm 2030 chiếm tới khoảng 80% tổng phát thải quốc gia. Tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Chính phủ quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý và kỹ thuật để giảm 268,5 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả không những góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn là giải pháp hàng đầu kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng cho mục tiêu Net Zero của Việt Nam đến năm 2050.
Thế giới: Chiến tranh Ukraine cùng với việc Nga siết nguồn cung đang đẩy giá dầu và khí đốt tăng mạnh ở Châu Âu, khiến tình hình cung ứng năng lượng ở châu u gặp thách thức lớn. Khủng hoảng năng lượng còn tác động đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế, cảnh báo đẩy một số nền kinh tế lớn nhất châu u rơi vào suy thoái.
Trước tình trạng giá năng lượng tăng phi mã, nguồn cung hạn chế đã khiến nhiều quốc gia châu u phải vào cuộc kêu gọi tiết kiệm năng lượng. Điển hình như việc Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Đức… muốn người dân thay đổi thói quen sử dụng điện thông qua việc giới hạn nhiệt độ làm mát đối với hệ thống điều hòa trong các tòa nhà công cộng, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, các tụ điểm thương mại không còn được chiếu sáng sau 22 giờ.
Việt Nam: Trong 1 thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng năng lượng của Việt Nam tăng 5-6% nhưng tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện thì cao hơn nhiều, khoảng 9,5% (giai đoạn 2011-2019). Ngay từ đầu năm 2022 đến nay, do biến động về năng lượng trên thế giới, khả năng cung ứng năng lượng tại Việt Nam cũng thể hiện rõ sự căng thẳng, đặc biệt là ở miền Bắc.
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh các giải pháp, nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng, triển khai mô hình phát triển bền vững.
Đứng trước thực trạng khó khăn chung của năng lượng toàn cầu, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả lại càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Việc kết hợp song song giữa khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đảng và Nhà nước đã xác định được tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ rất sớm thông qua việc ban hành các khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể là Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành từ năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011.
Dưới luật, một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như các nghị định của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng chính phủ, thông tư của Bộ Công Thương và các bộ ngành cũng được xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ và kịp thời để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai nghiêm túc, thành công qua 2 giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015. Tiếp nối thành công đó, Thủ tướng chính Phủ đã ký Quyết định số 280/QĐ-TTg ban hành giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc.
Một trong những hoạt động trọng tâm trong giai đoạn đầu của Chương trình là tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội về trách nhiệm và lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Qua đó, ý thức tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 90% người dân và doanh nghiệp đã được tuyên truyền, phổ biến các biện pháp tiết kiệm năng lượng và đã hiểu được lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Lĩnh vực công nghiệp chiếm đến 53% tổng năng lượng toàn quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn nhiều lãng phí. Cường độ sử dụng năng lượng trên GDP ở nước ta rất cao so với mức bình quân trên thế giới. Theo các khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng về mặt kỹ thuật trong nhiều ngành công nghiệp có thể đạt từ 20-30% như các ngành thép, sản xuất xi măng, hóa chất,….
Cơ cấu tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo ngành
Vì thế, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành mà còn góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu, năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn góp phần giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng. Tiêu tốn ít năng lượng hơn cũng đồng nghĩa giảm phát thải ra môi trường…
Để đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc trong giai đoạn 2019-2030, Bộ Công Thương đề ra các nhóm giải pháp chính, trong đó, nhóm giải pháp về tài chính là giải pháp trọng tâm giai đoạn 2019 – 2030 cần được đẩy mạnh. Về giải pháp này, Bộ Công Thương đã triển khai các dự án hợp tác quốc tế trong đó có các dự án của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng, thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi các quy định của Luật. Trong quá trình rà soát, Bộ Công Thương sẽ tập trung đánh giá lại 5 nhóm vấn đề: Thứ nhất là nhóm vấn đề đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Nhóm thứ 2 là đối với các trang thiết bị sử dụng năng lượng; Nhóm thứ 3 liên quan đến các cơ sở đào tạo, đơn vị cung cấp nguồn nhân lực cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nhóm thứ 4 liên quan đến các cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng; Nhóm thứ 5 là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng,…
Với với trò là đơn vị cung cấp điện, trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không ngừng đẩy mạnh các giải pháp để chung tay cùng Bộ Công Thương tăng cường hiệu quả thực hành tiết kiệm điện. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp là giải pháp trọng tâm.
Với nhiều hình thức khác nhau, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung tuyên truyền những chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra, cũng như những biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Các chương trình tiết kiệm điện trọng tâm đã triển khai sâu rộng trong giai đoạn này bao gồm: Các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện; thực hiện giảm tổn thất điện năng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện; đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình giờ trái đất; Chương trình gia đình tiết kiệm điện…
Song song với đó, EVN tập trung vào 1 số dự án cụ thể để làm mẫu cho các doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Quảng bá thay đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang, compact bằng đèn tiết kiệm điện; Hỗ trợ lắp đặt bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (thay thế bình đun nước nóng bằng điện); Thí điểm mô hình tiết kiệm điện trong nuôi trồng thuỷ sản cho bà con nông dân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR)….Đồng thời, EVN cũng phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh đề nghị các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng để tìm ra những giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhất.
Tại Hội nghị COP27 ngày 9/11/2022 diễn ra tại Ai Cập vừa qua, đại diện Việt Nam khẳng định những nỗ lực trong việc triển khai các cam kết tại COP26. Theo đó, cộng đồng quốc tế đã đạt được cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng của các quốc gia về “0” vào khoảng giữa thế kỷ 21. Đây là mục tiêu hết sức tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực cao nhất của các quốc gia trên thế giới triển khai nhiều giải pháp như chuyển dịch sang năng lượng sạch, phát triển các nguồn năng lượng mới thay thế các dạng năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, phát triển công nghệ thu hồi, lưu giữ và sử dụng carbon,…
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải tham vọng nêu trên đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt là các cơ sở sử dụng nhiều năng lượng, phát thải khí nhà kính lớn.
Phát triển thị trường carbon là một giải pháp hết sức quan trọng để huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.
Phát triển thị trường carbon là một giải pháp hết sức quan trọng để huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính. Khi có thị trường carbon, các doanh nghiệp sẽ có động lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, vì khi đó, doanh nghiệp sẽ vừa đạt mục tiêu về phát triển bền vững, vừa đem lại lợi ích về kinh tế.
Chỉ có nguồn lực của toàn xã hội thì mới đủ sức mạnh để thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính một cách đầy tham vọng nêu trên.
Đóng vai trò chủ đạo trong việc tham mưu cho Chính phủ xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, Bộ Công Thương trong thời gian qua đã xây dựng nhiều định hướng, nội dung triển khai cụ thể, bao gồm:
Tăng cường các hoạt động truyền thông: Trong đó tập trung chủ yếu vào việc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển bền vững. Phối hợp với Hội nhà báo tổ chức Giải báo chí toàn quốc tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức các giải thưởng hiệu quả năng lượng; giải thưởng năng lượng bền vững, tổ chức các hội nghị, tọa đàm chia sẻ, thúc đẩy đầu tư, thực hiện những giải pháp tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch, chuyển giao công nghệ sạch trong công nghiệp…
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ đầu tư: Kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xây dựng và thực thi các cơ chế về tài chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận các cơ chế tài chính ưu đãi, hướng tới mục tiêu đầu tư vào các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch, thay thế dây chuyền, máy móc cũ bằng hệ thống máy móc hiện đại, hiệu quả sử dụng công nghệ cao hơn. Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các hoạt động như sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất.
Thông qua các nguồn lực của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững: tiến hành tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và cán bộ quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên ngành về các giải pháp quản lý công nghệ trong tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch để giúp cho doanh nghiệp công nghiệp có thể áp dụng các sáng kiến, giải pháp, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của doanh nghiệp.
Nguồn Báo Nhân dân